Suy Ngẫm Sách Gia-Cơ Sample
“...Tất cả chúng ta đều vấp phạm nhiều cách. Ai không vấp phạm trong lời nói, đó là người trọn vẹn, có thể kiềm chế được cả thân thể mình… Chúng ta dùng lưỡi để chúc tụng Chúa, Cha chúng ta, và cũng dùng nó để nguyền rủa loài người, là loài được tạo dựng theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Từ một miệng mà ra cả sự chúc tụng lẫn nguyền rủa sao? Thưa anh em của tôi, đừng như vậy. Dòng suối xuất phát từ một mạch lại có thể chảy ra cả nước ngọt lẫn nước đắng được sao? Thưa anh em của tôi, cây vả có thể ra trái ô-liu hoặc cây nho có thể ra trái vả được không? Dòng nước mặn cũng không thể chảy ra nước ngọt được.”
“Sống chết nơi quyền của lưỡi,” vua Sa-lô-môn đã khẳng định như vậy. Lời nói thực sự có sức mạnh to lớn; nó có thể xây dựng hoặc phá hủy. Châm Ngôn 18:7 nói: “Miệng kẻ ngu dại làm nó suy sụp, môi nó là cạm bẫy của linh hồn mình,” trong khi Châm Ngôn 16:24 nói: “Lời nói ân hậu giống như tàng ong, ngon ngọt cho tâm hồn và khỏe mạnh cho xương khớp.” Có những lời tốt lành có thể thay đổi cuộc đời người nghe, và cũng có những lời nói để lại hậu quả lâu dài dù đã qua nhiều năm.
Làm thế nào để chúng ta kiểm soát được môi lưỡi của mình? Tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho chúng ta Lời của Ngài. Kinh Thánh dạy rằng ai kiểm soát được môi lưỡi sẽ kiểm soát được cả thân thể. Nhờ nhận thức được tầm quan trọng của lời nói, chúng ta có thể xây dựng một đời sống thành công. Hãy nhờ cậy Chúa giúp chúng ta “mau nghe, chậm nói, chậm giận.” Ê-phê-sô 4:26-27, 29 nhắc nhở: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn... Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em, nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn và có ích lợi cho kẻ nghe đến.”
Lạy Chúa, con cảm tạ Ngài vì đã tạo dựng con theo hình ảnh của Ngài, ban cho con ngôn ngữ để nâng đỡ và khích lệ. Xin giúp con không nói ra những lời dữ, mà chỉ nói những lời lành có ích lợi cho người nghe. Xin thanh tẩy tấm lòng con, để môi miệng con nói ra những điều tốt lành từ Ngài. Xin đổi mới tâm trí và tấm lòng con, để con sống trong sự công chính và thánh sạch bởi lẽ thật. A-men.
Câu hỏi suy ngẫm:
- Vì sao Gia-cơ cho rằng: “Ai không vấp phạm trong lời nói, đó là người trọn vẹn, có thể kiềm chế được cả thân thể mình”?
- Hãy nhớ lại một tình huống cụ thể khi bạn đã sử dụng lời nói để khích lệ và xây dựng ai đó. Làm thế nào để chúng ta tiếp tục sử dụng lưỡi của mình để mang lại phước hạnh cho người khác?
About this Plan
Gia-cơ là thư tập hợp các lời giáo huấn thực tế gửi đến dân sự của Chúa ở khắp nơi trên thế giới. Tác giả sử dụng nhiều hình ảnh sống động để trình bày các lời giáo huấn liên quan rất thực, và hướng dẫn tín hữu về thái độ cũng như nếp sống Cơ Đốc, dựa trên quan điểm Cơ Đốc giáo. Các chủ đề như việc sử dụng cái lưỡi, vui mừng, đức tin, hành động, kiên nhẫn, cầu nguyện… Cùng SUVN suy ngẫm về những lời dạy dỗ cho chính đời sống của mình!
More